Nhằm chủ động thực hiện các giải pháp phòng trừ có hiệu quả một số đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây trồng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quan tâm, khẩn trương chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng trừ các sinh vật gây hại sau đây:
I. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố\
1 Trên cây lúa
– Chỉ đạo điều tiết nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm ngay từ đầu vụ, đảm bảo đủ nước theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây lúa, nhất là giai đoạn làm đòng và trổ bông. Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại cây trồng (IPM, ICM) trong sản xuất. Bón phân đúng thời kỳ, đầy đủ, cân đối N, P, K, không bón quá nhiều lượng phân đạm.
– Theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu để chủ động phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đối với những diện tích bị nhiễm rầy nâu ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh tiến hành xử lý ngay khi chúng mới xuất hiện với mật độ 2 – 3 con/dảnh, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất như Buprofezin, Imidacloprid… Nếu lúa ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, trổ bông cần hướng dẫn nông dân điều tiết mực nước trong ruộng khoảng 10 – 15 cm kết hợp rạch hàng theo băng rộng 1,5 – 2 m và dùng các thuốc chứa hoạt chất như: Dimethoate+Isoprocarb, Clothianidin… để phun trừ rầy nâu. Đối với bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi tỷ lệ bệnh dưới 10%; xử lý bằng cách phun thuốc chứa hoạt chất như Albendazole, Azoxystrobin, Ferimzone… chú ý phun kỹ mặt dưới của lá để nâng cao hiệu quả phòng trừ. Các loại thuốc trên cần pha theo nồng độ hướng dẫn trên nhãn bao bì để phun.
2 Trên cây ngô
– Tập trung chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa thu hại ngô. Khuyến cáo người sản xuất sử dụng các giống ngô có tính kháng sâu keo mùa thu (NK 7328 Bt/GT, NK 4300 Bt/GT, NK 66 Bt/GT, NK 6101 Bt/GT, 6919 S, 8629 S…) để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra.
– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là giai đoạn ngô 3 – 6 lá. Dự tính, dự báo chính xác các lứa sâu keo mùa thu phát sinh gây hại để có biện pháp khuyến cáo hỗ trợ người dân tổ chức phòng trừ có hiệu quả, sử dụng các loại thuốc có chứa các hoạt chất: Spinettoram, Indoxacarb, Lufenuron, Emamectin benzoate… để phòng trừ.
3. Trên cây mía
– Tập trung chỉ đạo phòng chống bệnh trắng lá mía. Khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu hoạch, làm giống, xử lý giống trước khi trồng mới. Khi thu hoạch nên chặt sát gốc, vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật tiêu hủy. Xử lý đất, giống khi trồng mới, tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, tuyệt đối không lấy giống mía ở những vùng bị nhiễm bệnh trắng lá mía để trồng.
– Thường xuyên điều tra, kiểm tra, đồng ruộng, dự tính, dự báo chính xác tình hình gây hại của bọ hung, xén tóc hại mía, phát hiện, xử lý ngay không để lây lan. Đối với bệnh trắng lá mía nếu phát hiện phải xử lý triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng, nhất là ở giai đoạn mía đẻ nhánh (1-3 tháng tuổi) để hạn chế tối đa, khống chế, không để phát sinh, lây lan thành dịch.
4 Trên cây sắn: Các địa phương có diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá sắn khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã và doanh nghiệp liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn. Tập trung vào một số giải pháp sau: – Chỉ đạo Phòng Kinh tế/Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã phân công cán bộ bám sát địa bàn thôn, làng; đồng thời tập trung, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn. Nếu phát hiện bọ phấn trắng trung bình 10 con/cây thì hướng dẫn người dân tiến hành kịp thời việc phun thuốc diệt trừ, ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang truyền bệnh các ruộng sắn khác, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất như Dinotefuran, Pymetrozine, Nitenpyram + Pytromezine.
– Tổ chức tập huấn, thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho hộ nông dân và cơ sở sản xuất giống để nắm chắc Quy trình sản xuất giống sắn sạch bệnh, tự để giống sạch bệnh khảm lá sắn sớm theo Công văn số 622/TT-CLT ngày 29/5/2019 của Cục Trồng trọt. Đảm bảo sử dụng giống sắn sạch bệnh, không sử dụng các giống sắn nhiễm bệnh như HLS-11
– Chỉ đạo Phòng Kinh tế/Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc mua bán giống trên địa bàn, nhất là mua giống từ nơi nhiễm bệnh để ngăn chặn bệnh lan truyền; thường xuyên điều tra phát hiện kịp thời bệnh khảm lá sắn trên địa bàn, chỉ đạo tiêu hủy ngay khi phát hiện và xác minh nguồn gốc để xử lý theo quy định của pháp luật.
5 Trên cây cà phê: Thường xuyên kiểm tra vườn cây, khi phát hiện bệnh gỉ sắt xử lý kịp thời, chỉ phun cục bộ những cây bị bệnh. Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị theo hướng sinh học, ít độc hại để phun theo khuyến cáo ghi trên nhãn thuốc. Thường xuyên theo dõi diễn biến của rệp sáp, rệp vảy xanh, rệp vảy nâu phòng trừ sớm khi rệp ở mật độ thấp để nâng cao hiệu quả phòng trừ. Chú ý làm cành, tạo tán thông thoáng; vặt bỏ chồi vượt, cắt bỏ cành bị sâu bệnh hại nặng đem ra ngoài vườn tiêu hủy. Đối với những vườn bị nhiễm rệp sáp, rệp vảy xanh, rệp vảy nâu, hướng dẫn nông dân kịp thời phun những cây nhiễm có rệp xuất hiện gây hại và sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất như: Benfuracarb, Dinotefuran, Buprofezin, … sử dụng theo hướng dẫn trên nhãn bao bì.
6 Trên cây tiêu: Củng cố đai chắn gió quanh vườn tiêu, để tán cây che bóng phù hợp giúp cây che nắng tốt trong mùa khô; tưới nước, tủ gốc giữ ẩm cho vườn cây. Bón phân cân đối, tăng cường phân kali nhằm tăng khả năng chống chịu bệnh cho cây. Thường xuyên kiểm tra vườn, điều tra nắm bắt tình hình gây hại của bệnh héo chết nhanh, bệnh vàng lá chết chậm, rệp sáp gốc để có biện pháp xử lý kịp thời; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại để phòng trừ, sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (Đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách). Tăng cường hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, Rainforest Alliance (RA).
7 Trên cây điều: Điều tra, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại trong thời kỳ cây điều ra hoa và quả non như: bọ xít, sâu đục nõn, sâu phỏng lá hướng dẫn người dân sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất như Cypermethrin… phun theo nồng độ khuyến cáo.
II. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
– Phân công cán bộ chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến tình hình sinh vật gây hại cây trồng; tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho địa phương để thực hiện; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan chuyên môn cấp huyện tập trung phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả để bảo vệ sản xuất.
– Đối với các loại sâu bệnh nguy hiểm như bệnh khảm lá virus hại sắn, bệnh trắng lá mía gây hại cây mía, sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh héo chết nhanh, vàng lá chết chậm trên cây hồ tiêu phải cử cán bộ chuyên môn của chi cục xuống địa phương phối hợp cùng địa phương để xử lý, không để lây lan ra diện rộng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quan tâm, khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện; định kỳ vào chiều thứ 3 hàng tuần báo cáo về Sở (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo thời gian đúng quy định./.