Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện nay hiện tượng ENSO có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh cho tới những tháng đầu năm 2022, khả năng xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng xen kẽ các đợt mưa) đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại trên cây trồng.

 Để chủ động phòng trừ có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về cây trồng, bảo vệ mùa màng sản xuất của người dân và tổ chức sản xuất vụ Mùa năm 2021 đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh chỉ đạo tại Văn bản số 1024/UBND-NL ngày 26/7/2021 và Văn bản số 1100/UBND-NL ngày 06/8/2021. Cụ thể:

1. Trên cây ngô

– Tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức thông tin, tuyên truyền cho người trồng ngô nhận diện được về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại, và các giải pháp phòng trừ do cơ quan chuyên môn hướng dẫn (Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 218/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/01/2020).

– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính dự báo chính xác các lứa sâu keo mùa thu phát sinh gây hại trên ngô vụ 02 để có biện pháp khuyến cáo hỗ trợ người dân tổ chức phòng trừ có hiệu quả; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học đặc trị để phòng trừ.

2. Trên cây sắn:

Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng trừ bệnh khảm lá virus hại sắn tại địa phương, cụ thể:

– Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn tại địa huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên Ban Chỉ đạo bám địa bàn xã, thôn làng để chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng trừ.

– Cử cán bộ bám sát địa bàn, kiểm tra diện tích trồng sắn, kịp thời phát hiện và tổ chức xử lý triệt để diện tích nhiễm bệnh khảm lá virus hại sắn, không để lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng trong vụ.

– Chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương để triển khai các công tác phòng trừ theo đúng qui định của pháp luật.

– Hướng dẫn người dân trồng sắn nghiêm túc áp dụng Quy trình tự sản xuất giống sắn sạch bệnh, Quy trình kỹ thuật canh tác sắn theo Văn bản số 622/TT-CLT ngày 29/5/2019 của Cục Trồng trọt; áp dụng triệt để biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá virus hại sắn theo hướng dẫn Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành tại Văn bản 1605/BVTV-TV ngày 21/7/2017; chú trọng thực hiện biện pháp chăm sóc, bón phân đúng thời kỳ để cây sắn sinh trưởng phát triển khỏe, tăng khả năng chống chịu với bệnh khảm lá sắn.

– Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng, Trung tâm Khuyến nông và Nhà máy chế biến tinh bột sắn khẩn trương xây dựng các khu nhân giống sắn sạch bệnh để đảm bảo nguồn giống tốt cung ứng cho nhu cầu phát triển sản xuất của người dân.

– Xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích đất trồng sắn bị bệnh khảm lá sắn nặng sang trồng một số cây trồng khác như: Cây ăn quả, cây dược liệu, ngô sinh khối, đậu đỗ các loại,…

3. Trên cây mía:

– Đối với bệnh trắng lá mía:

+ Tiếp tục tuyên truyền cho người trồng mía nhận thức được tác hại của bệnh trắng lá mía và các giải pháp phòng trừ do cơ quan chuyên môn hướng dẫn.

+ Chăm sóc, bón phân cân đối, đầy đủ trong giai đoạn mía đẻ nhánh – vươn lóng – tích lũy đường giúp cây phát triển tốt vượt qua ngưỡng gây hại của bệnh.

– Đối với bọ hung, xén tóc: Thường xuyên kiểm tra trên các diện tích đã bị nhiễm xén tóc, những ruộng mía có mật độ trên 2 con/gốc tiến hành xử lý ngay bằng thuốc sinh học.

4. Trên cây hồ tiêu:

Chủ động phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu trong giai đoạn mùa mưa có hiệu quả, hướng dẫn người dân một số biện pháp kỹ thuật sau:

– Đào rãnh thoát nước, tránh đọng nước ở gốc tiêu gây thối rễ dẫn đến chết cây.

– Cắt tỉa cành tăm, cành sâu bệnh, cành sát mặt đất, rong tỉa cây che bóng để giúp vườn tiêu thông thoáng, tăng độ chiếu sáng làm tăng khả năng quang hợp của cây, hạn chế sự phát triển của dịch bệnh.

– Chăm sóc, làm cỏ, bón phân cân đối, đầy đủ; phun bổ sung các nguyên tố trung, vi lượng để hạn chế rụng quả; có thể kết hợp chất điều hòa sinh trưởng giúp rễ phát triển tốt, kháng bệnh trong mùa mưa.

– Thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện sâu bệnh hại kịp thời xử lý kịp thời khi mật độ sâu bệnh còn ở mức thấp.

5. Trên cây điều:

Tiếp tục hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất điều theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic, Rainforest Alliance. Đối với những vườn bị nhiễm bọ xít, sâu đục nõn, sâu phỏng lá hướng dẫn dùng các thuốc sinh học để phòng trừ; đối với những cây bị bệnh nặng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại để phòng trừ.

Nhận được Công văn này, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ vào lúc 15 giờ ngày thứ 3 hàng tuần báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật email: ccbvtv.snnptnt@gialai.gov.vn) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo./.

Tin khác